Bỏ qua nội dung

“Hiện tượng” Đinh La Thăng & niềm tin vào “một thế hệ Bộ trưởng mới”?

Tháng Mười 9, 2011
Tác giả: Trương Duy Nhất

Ông Thăng (Đinh La Thăng) tiếp tục được thổi như một hiện tượng và kỳ vọng lớn cho sự… thay chuyển!

Báo Tuổi Trẻ đưa ảnh chân dung ông choán gần trọn trang nhất và dành hẳn một trang trong cho nhân vật này diễn với những tuyên bố ngút trời. Thay một thằng Trưởng ban quản lý quèn của cái dự án sân bay Đà Nẵng (mà nói vậy chứ đã thay được đâu) mà báo chí đã bị “sốc”, đã thổi tung thành “hiện tượng” thì thật khôi hài, không chỉ với ông Thăng mà là sự khôi hài của chính làng báo. Báo chí, có vẻ như bế tắc trong việc đưa tin chính trị và trong thuật “dựng” vấn đề, sau một thời gian dài chán chê ngán ngẩm với sex, dâm và máu.

Hãy nghe ông Thăng nói: “Tôi là người máu lửa, đã làm phải ra làm, nếu không là nghỉ. Nhiều vấn đề rất phức tạp, giải quyết được một mặt chứ không thể giải quyết được tất cả. Là Bộ trưởng, nếu làm không được thì tôi cũng phải chấp nhận nghỉ”. Ở bài trước (“Cú sốc” ở sân bay Đà Nẵng & cái sĩ của người đứng đầu) tôi đã viết: Tôi muốn tin rằng sau một nhiệm kỳ (hoặc chỉ cần nửa nhiệm kỳ thôi) nếu không làm thay chuyển được gì như những lời chém gió, ông Thăng sẽ vẫn còn biết xấu hổ, còn sĩ và biết tự trọng nhường cái ghế Bộ trưởng GTVT cho người khác. Đó mới là “cú sốc” thật sốc và đáng trọng!”.

Nhiệm kỳ Bộ trưởng nhanh lắm, để chờ xem!

Ông bảo sẽ đi làm bằng xe buýt, nghe đâu tuần 1,2 lần. Chưa đi đã hét toáng lên cho cả nước biết. Tôi đồ rằng đám thuộc hạ nịnh thần ở văn phòng bộ thừa nhanh nhạy và “trí khôn” để “dọn đường” trước cho các chuyến đi của Bộ trưởng mà chính ông Thăng cũng không biết. Vậy thì cái sự “vi hành” ấy liệu có giúp ông nhìn thấy gì, nhìn thôi chứ chưa nói đến việc làm thay chuyển.

Nhìn và nghe ông Thăng, nhớ lúc mới lên ghế Bộ trưởng Giáo dục- đào tạo, ông Nguyễn Thiện Nhân cũng khiến dân chúng và sự nghiệp giáo dục đặt nhiều kỳ vọng lớn. Tôi nhớ, ngay những ngày đầu báo Tuổi Trẻ đã dành hẳn hai kỳ cho hai bài viết gần trọn 2 trang do chính ông Nhân viết, cũng “máu lửa” chẳng thua gì ông Thăng bây giờ. Tiếp theo là những chiến dịch “hai không”, rồi tùm lum không, rồi vi hành về Hà Tây dựng thầy Khoa như một mẫu “người hùng” trong giáo dục. Nhưng rồi những phong trào dán mác thầy Nhân đã để lại cho ngành giáo dục những tì vết gì? (xin đọc lại bài: Giáo dục thời bất… Nhân). Và để sau khi rời ghế Bộ trưởng lên ngồi ghế Phó Thủ tướng, ông quay về dự khai giảng với ngành giáo dục bằng những nghi thức như đón rước một ông vua (đọc bài: Đón Phó Thủ tướng ngày khai trường).

Rồi cả chuyện ông Nguyễn Tấn Dũng, khi mới lên ngồi ghế Thủ tướng cũng tưởng như dấu hiệu bắt đầu cho một sự chuyển thay lớn, một thế hệ lãnh đạo mới (đọc lại bài: Tản mạn về hai ông Dũng). Nhưng rồi dấu ấn mà ông Dũng để lại trên cương vị Thủ tướng là gì? (Xin đọc lại bài: Chấm điểm Thủ tướng).

Vài câu chém gió, vài động thái khởi động đầu nhiệm kỳ đã tức tốc được thổi thành “hiện tượng”. BBC thì kỳ vọng, gọi “hiện tượng” Đinh La Thăng, với Vương Đình Huệ trước đó là “một thế hệ Bộ trưởng mới?”.

Tôi không hi vọng nhiều đến vậy. Thay chuyển sao được khi vị lãnh đạo cao nhất, quyền lực nhất của đất nước – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tuyên bố chắc nịch rằng: không muốn tạo dấu ấn cá nhân! Khi Thủ tướng chính phủ thản nhiên ngả người nhịp tay trước quốc hội sau sự cố Vinashin ném gần trăm nghìn tỉ xuống biển nhưng cả ông và toàn bộ các thành viên chính phủ không ai bị kỷ luật gì.

Vậy nên, đừng mong ngóng và kỳ vọng ở “một thế hệ Bộ trưởng mới”.

Cứ cho là ông Thăng ông Huệ giỏi đi. Nhưng trong nhà ông bố và “thằng” anh cả như thế thì thử hỏi sự “nổi loạn” của một thằng con út như ông Thăng sẽ đem lại kết quả gì, nếu không phải là những trận đòn sưng đít? Vì thế muốn thay chuyển, trước hết là ở người bố và “thằng” anh cả trong nhà, chứ không phải trông chờ ở sự thay chuyển từ đứa con út. Hi vọng vào những kêu gào suông của một thằng út trong nhà thì nát thêm chứ không thể đem đến sự thay chuyển nào. Một khi chưa thấy cái ý muốn thay chuyển từ bên trên, thì mọi bàn luận và kêu gào bên dưới cũng chỉ là viển vông.

(Nguồn: Blog Trương Duy Nhất)

No comments yet

Bình luận về bài viết này