Bỏ qua nội dung

ĐẠI CẢI CÁCH Ở TRUNG QUỐC CÓ THỂ XUẤT HIỆN SAU KHI TẬP CẬN BÌNH KẾ NHIỆM

Tháng Chín 20, 2011
  • Nguồn: BBB Hoa Ngữ
  • Tác giả: HÀ TẦN (Nhà bình luận chính trị Trung Quốc sống tại Mỹ)
  • Người dịch: QUỐC TRUNG
Tập Cận Bình đã bị đẩy vào vị trí cầm lái ấy: Dù bản thân có muốn hay không, thì ông ta cũng phải làm một cái gì đó

Vào cái năm ghi dấu ấn Hồ Cẩm Đào tiếp nhận chức Tổng bí thư, phóng viên BBC đã tới Mỹ hỏi về quan điểm của tôi. Tôi trả lời, không biết rồi Hồ Cẩm Đào có sẽ làm được cái gì không, chỉ biết rằng trước đây Hồ Cẩm Đào chưa làm được cái gì.

Từ “con tàu rách nát” đến “chiếc du thuyền sang trọng”

Một phán đoán cơ bản của tôi khi ấy là: Trung Quốc cộng sản là một cộng đồng “tan nát” kể từ sau “Vụ 4 tháng 6”, các nhà lãnh đạo chen chúc nhau trên “con tàu rách nát” ấy, ai mà lỡ ý lay người một cái là tất cả đều rất có nguy cơ bị rơi xuống nước, vì thế mà chỉ có thể cùng chen chúc nhau trên cùng một con thuyền. Những người lãnh đạo này tất thảy đều rón rén, đối nội đối ngoại đã thận trọng rồi lại trận trọng hơn. Hồ Cẩm Đào được chỉ định kế vị trong tình huống ấy, cho dù ông ta trước đây đã có làm được việc gì  nổi bật, lại là người được mọi người có thể chấp nhận, thì ông ta cũng đã không làm gì, mà đã tìm cách cho ai cũng có thể ngồi vây được xung quanh mình, họa may tránh không để cho “con tàu rách nát” ấy bị sụp.

Lần này, BBC đặt bài yêu cầu nói một chút về Tập Cận Bình, người được dự định kế nhiệm Hồ Cẩm Đào. Tôi chợt nhớ lại bài phân tích về Hồ Cẩm Đào năm ấy. Trong hai câu viết vào năm đó, câu sau cũng phù hợp với Tập Cận Bình, đó là:  Tôi biết trước đây Tập Cận Bình chưa làm được cái gì, ngay cả khi ở Phúc Kiến ở Chiết Giang ở Thượng Hải (chú ý chỗ này nguyên văn không dùng dấu phẩy ngắt ý), thì ông ta cũng chỉ là một quan chức nếu nói cho hay ho là “bình ổn” (nguyên văn “平稳” –ND), còn nếu nói cho khó nghe là “bình dung” (nguyên văn “平庸” nghĩa là “tầm thường” –ND).

Nhưng tôi lại có một phán đoán khác về ông ta: Vật đổi sao dời, đại sinh thái chính trị thời Giang Trạch Dân kể từ sau “Vụ 4 tháng 6” đã khác đi rồi, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã khong còn cảm thấy mình đang ngồi trên “con tàu rách nát” nữa, mà là đã ngồi trên “chiếc du thuyền sang trọng” cỡ lớn, trên “chiếc du thuyền sang trọng” ấy được trang bị lắp đặt đầy những thiết bị tiên tiến nhất của thế giới, từ đó mà phóng vố số những ánh mắt đầy ngưỡng mộ tới bốn phương tám hướng, toàn cầu ngày nay đang rơi vào đỉnh điểm của sự khủng hoẳng kinh tế, các nhà lãnh đạo Trung Quốc được ngồi trên chiếc du thuyền sang trọng này rất có quyền tự hào mà lên giọng “cứu thế giới này không ta thì còn ai”

Nhưng đó là “chiếc du thuyền sang trọng” như thế nào vậy? Đây chính là “con tàu Titanic” đang đi trên sóng gió đại dương đầy hung hiểm! Tập Cận Bình – người sẽ tiếp nhận bánh lái, ở vào hoàn cảnh khác hẳn với Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào. Ông ta nhất định phải làm một cái gì, ông ta buộc phải đưa ra sự quyết đoán:  Có thể tránh được số phận “chiếc du thuyền sang trọng” ấy bị dánh chìm hay không? Nếu như không thể, thì sẽ làm cách nào để sắp đặt được nhiều hơn cho những người thoát chết, để giảm thiểu được số người gặp nạn? Còn bản thân ông ta, sẽ sống chết cùng con tàu, hay là bỏ tàu thoát thân?

Tập Cận Bình trước đây chưa làm được cái gì, điều này trước mắt không quan trọng; Tập Cận Bình năng lực có đến đâu, điều này trước mắt cũng không quan trọng – Rút cục ông ta đã bị đẩy vào vị trí cầm lái ấy:  Dù bản thân có muốn hay không, thì ông ta cũng phải làm một cái gì đó.

Người ta đã bàn luận từ 3 năm nay:  Liệu Tập Cận Bình có kế vị được một cách thuận lợi trong Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc hay không, có được làm Tổng bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc hay không? Điều lơ lửng trước mắt chính là: Trong Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc, liệu ông ta có được bầu làm Phó chủ tịch Quân ủy hay không?

Nếu như Tập Cận Bình không được làm Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc theo như phương án quyết định nội bộ của các bậc nguyên lão vẫn làm xưa nay, thì tất nhiên đây là một tin xấu đối với cá nhân ông ta và đối với những người tiến cử ông ta; Nhưng biến cố như vậy lại là điều tốt cho sự cải cách chính trị ở Trung Quốc, nó tạo ra một cơ hội tăng tốc.

Song sự kì vọng ấy rất có thể bị rơi tõm. Vẫn phải dựa vào sự phán đoán dài hạn: Đại cải cách ở Trung Quốc có nhiều khả năng xuất hiện sau khi Tập Cận Bình kế nhiệm hơn. Bản thân việc Tập Cận Bình kế nhiệm sẽ không có biến cố gì. Nếu như có có biến cố, thì cũng chỉ có nghĩa là xảy ra biến động lớn trước thời hạn ở Trung Quốc; nếu như trong nội bộ Đảng cộng sản Trung Quốc chưa có xung đột mạnh mẽ, thì Tập Cận Bình sẽ tiếp nhận quyền bính từng bước.

Dự báo như vậy là do chúng tôi tìm hiểu được đặc điểm tính cách chính trị của Hồ Cẩm Đào là cực kì thận trọng, ông ta khó lòng có thể liều lĩnh mạo hiểm lớn đến như vậy, ông ta chưa có gan cải biến cái mô hình kế vị định sẵn. Đầu việc ưu tiên đặt trên bàn nghị sự trước mắt của Hồ Cẩm Đào là làm sao để giao ban cho được suôn sẻ, hạ cánh cho được an toàn, bố trí thêm được một vài người của ông ta vào. Lịch sử có thể ghi lại là ông ta bất tài, nhưng ít ra thì “chiếc du thuyền sang trọng” ấy vẫn chưa bị gặp sự cố trong tay ông ta.

Tập Cận Bình còn đang dao động

Tập Cận Bình tiếp nhận quyền lãnh đạo Trung Quốc, “chiếc du thuyền sang trọng” ấy ắt hẳn phải sinh chuyện – một phần nguyên nhân  là do sự tầm thường sợ sinh chuyện, bất tài của Hồ Cẩm Đào gây nên, nhưng lí do chủ yếu hơn là khi Trung Quốc vấp phải sự biến đổi lớn trong cơ cấu chiến lược quốc tế, thì sự chuyển đổi hình thái xã hội trong nước là điều tất không thể tránh khỏi.

Song, chính cái thế kẹt trong và ngoài nước của Trung Quốc lại chiết xuất nên manh nha của đặc điểm chính trị đa nguyên ở Trung Quốc. Thứ vô năng nhi trị (chứ không phải là vô vi nhi trị) của Hồ Cẩm Đào đã đi vào ngõ cụt, đòi hỏi người lãnh đạo mới Tập Cận Bình phải làm một cái gì mới trong hình thế mới. Song, ông ta rút cục là giương cao ngọn cờ dân tộc chủ nghĩa để ngưng tụ, để khích động tinh thần dân tộc, đi vào con đường mị dân, đối trọng với Phương Tây, thậm chí lợi dụng tinh thần này để đàn áp những tiếng nói bất đồng, hay là đồng nhất với những quan điểm giá trị cơ bản của cộng đồng quốc tế, hòa vào dòng chảy của nền văn minh nhân loại?

“Các giá trị phổ quát” hiện đang bị coi là những thứ của Phương Tây, song thực ra nền văn minh Trung Quốc cũng là một trong những cội nguồn của các giá trị phổ quát, trong các tư tưởng dân tộc suốt 5000 năm qua của Trung Quốc có thể tìm thấy những yếu tố tự do, công bằng, dân chủ, Đảng cộng sản Trung Quốc xưa nay cũng chưa từng phủ nhận những giá trị này, có chăng chỉ là xưa nay chưa từng thực thi mà thôi. Thực thi nền pháp trị dân chủ ở Trung Quốc đương nhiên cũng phải mang màu sắc Trung Quốc, cũng không thể giống hoàn toàn với chế độ pháp trị dân chủ của các nước Mỹ, Canađa, Hàn Quốc, nhưng màu sắc Trung Quốc tuyệt đối không phải là cái cớ để chống lại các giá trị phổ quát, cũng tuyệt đối không phải là lí do để trở nên kình địch với các giá trị phổ quát.

Tập Cận Bình cho đến nay vẫn còn dao động: Ông ta rút cục sẽ đi theo chủ nghĩa dân tộc, hay là xúc tiến việc thực hiện các giá trị phổ quát? Về cả hai phương diện này, chúng ta đều có thể tìm ra lí do từ lời nói và hành động của ông ta: Ở Nam Mĩ, trước mặt Hoa kiều, ông ta lên án Phương Tây “rách việc”, “nói những lời vô trách nhiệm về Trung Quốc”; ở Trường Đảng ông ta lại nói “trao quyền cho người dân”, chúng ta có thể nhận thấy được tâm thái mâu thuẫn ở ông. Trong giai đoạn phát sinh sự cải cách to lớn ở Trung Quốc, tâm thái mâu thuẫn ở người lãnh đạo là có thể lí giải được và cũng là bình thường. Thứ nhất, bản thân Tập Cận Bình có thể chưa hoàn toàn nghĩ cho rõ hết; thứ hai, ông ta đang ở trong một môi trường chính trị phức tạp, nên không có cách nào làm tươi mới được ngọn cờ; thứ ba, tình trạng bất ổn trên thế giới và những biến đổi về hình thế xã hội, chính trị ở trong nước đều khiến cho những suy nghĩ của ông ta về cán cân quyền lực cũng có sự chuyển biến.

Liệu Tập Cận Bình có nhận thức được rằng:  Thực lực của Trung Quốc trên vũ đài quốc tế trước đây là không mạnh, có tiếng nói không có trọng lượng với tư cách là người đại diện cho các nước nghèo thế giới thứ ba; hiện tại Trung Quốc là nước mạnh, nước lớn, những cũng bị coi là nước nghèo, nếu nói “lịch sử chưa đến hồi kết thúc” là bởi vì thể chế của Trung Quốc vẫn chưa được giải quyết, mọi hành vi vẫn chưa thể dự báo được, cộng đồng quốc tế đương nhiên là lo lắng, cũng giống như kiểu họ lo lắng Liên Xô trước đây. Các nước Phương Tây không nhất thiết sẽ tạo nên thế bao vây Trung Quốc, nhưng nhất định sẽ đdề phòng, thậm chí là áp chế, tương lai có thể dự báo trước này vẫn sẽ là hình thái ý thức chủ lưu của quốc tế, cho đến khi nào Trung Quốc thực sự trở thành thành viên văn minh hơn, tích cực hơn của cộng đồng quốc tế, chứ không phải trở thành tên tội đồ (nguyên văn “hắc lão đại” 黑老大–ND) trong câu lạc bộ quốc tế.

Còn xã hội trong nước của Trung Quốc thì đã bị rạn nứt tới mức ghê gớm, khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, xung đột xã hội ngày càng trầm trọng, thế lực cái ác đang lớn mạnh, đã làm trơn lông cho các tập đoàn lợi ích, nếu không làm một cuộc đại phẫu về căn bản cho thể chế độc tài, thì sẽ không thể làm nguôi đi được sự thù hận và đối kháng của dân chúng đối với các tập đoàn lợi ích, đối với tầng lớp quyền quí. Trong tương lai, Đảng cộng sản bất kể dùng thủ đoạn nào, thì những tiếng nói bất đồng và những sự thách thức tất nhiên cũng sẽ ngày càng lớn mạnh, giá thành duy trì sự ổn định sẽ tăng lên. Hiện tại, rất nhiều phần tử tinh anh đã trở thành một bộ phận của tầng lớp quyền quí, nhưng lại vẫn có rất nhiều phần tử tinh anh có lương tri kết hợp với dân chúng, nói lên những tiếng nói vạch mặt bọn quyền quí, đòi hỏi cải cách, cho dù trước mắt những tiếng nói ấy còn yếu ớt, còn nằm ở bên rìa, nhưng tiếng nói mạnh nhất của bất cứ cuộc đại cải cách xã hội nào cũng đều được diến biến khởi đầu từ bên rìa.

Trước đây, chúng ta dụi mắt ngóng chờ Hồ Cẩm Đào, cho đến tận giờ, là sự thất vọng; Tập Cận Bình sẽ để cho mọi người lại thất vọng một lần nữa chăng? Điều này không dùng ý chí của Tập Cận Bình để chuyển dịch. Thời thế sắp đến rồi! Cho nên, tôi tin rằng Tập Cận Bình sẽ làm một cái gì.

(Bài viết do dịch giả Quốc Trung gửi cho Da Vàng Blog. Xin cảm ơn bác Quốc Trung)

Bình luận về bài viết này